Hoàn cảnh sáng tác Như_có_Bác_trong_ngày_đại_thắng

Đầu tháng 4 năm 1975, Phạm Tuyên được Trần Lâm - Tổng giám đốc của Đài Tiếng nói Việt Nam giao nhiệm vụ sáng tác 1 tác phẩm lớn để mừng ngày chiến thắng 30/4 sắp đến. Ông đã chuẩn bị và phác thảo 1 bản hợp xướng 4 chương gồm: Miền Bắc lũy thép, Miền Nam thành đồng, Tiến công và nổi dậyToàn thắng. Nhưng cuối cùng tác giả lại ngừng việc hoàn thành bản hợp xướng trên vì ông cho rằng: "Dựng lên như vậy nhưng vẫn cảm thấy có cái gì đó gờn gợn trong lòng. Hơn nữa, nếu đất nước giải phóng, người dân sẽ đổ ra đường chứ chẳng ai ở nhà mà nghe hợp xướng cả".[1]

Đêm ngày 28 tháng 4 năm 1975, sau khi nghe bản tin cuối cùng của đài có tin phi công Nguyễn Thành Trung ném bom sân bay Tân Sân Nhất, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ từ 9h30 tối - 11h ông đã viết xong bài "Như có Bác trong ngày đại thắng". Tuy vậy bài hát chỉ được hội đồng duyệt nhạc của đài thông qua và đưa vào kế hoạch dàn dựng, thu thanh phục vụ kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954 do có ý kiến cho rằng bài hát đơn giản và ngắn quá, có lạc quan hơi sớm, lạc quan tếu.[2]

Sáng ngày 30 tháng 4, nhạc sĩ được ban biên tập đài triệu tập và bài hát "Như có Bác trong ngày đại thắng" đã được chọn để phát vào chương trình thời sự đặc biệt lúc 17h chiều khi Việt Nam chính thức công bố tin giải phóng miền Nam trước toàn thế giới.

Nói về bài hát của mình, tác giả đã tâm sự: "Lời bài hát như là tiếng lòng, là ước vọng bao nhiêu lâu mình mong ước, có không biết bao nhiêu người cảm động và khóc khi hát vang khúc ca này. Và cảm giác bài hát như có sẵn rồi, không phải là tôi thì sẽ là một nhạc sĩ khác của dân tộc viết ra nó".[3]

Trong một lần, khi được một người đồng nghiệp hỏi: "Ông sáng tác ca khúc trong thời gian bao lâu?", nhạc sĩ Phạm Tuyên trả lời: "Chỉ có 2 giờ. Nói đúng hơn là chỉ có 2 giờ cho cả cuộc đời".[4]